VIP Tin 24/7: Tuần 12-17/6: SJC ‘dậm chân tại chỗ’, vàng Nhẫn bật tăng nhưng vẫn lỗ, khó kiếm lời khi vàng đang trong “mùa ế ẩm”

Tóm tắt

  • Chốt tuần, vàng thế giới dừng chân dưới mốc 1.960 USD/ounce.
  • SJC gần như đi ngang với mức giá quanh 67,1 triệu đồng/lượng.
  • Vàng nhẫn có tuần tăng tốt, giao dịch lên cao nhất hơn nửa tháng.
  • Thị trường vàng trong nước “ế ẩm” thời điểm giữa năm.

Nội dung

Giá vàng thế giới chốt phiên cuối tuần tại ngưỡng 1.958,3 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (23.565 VND/USD) vàng thế giới đứng tại 56,28 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí). Cuối tuần trước, giá vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại 56,25 triệu đồng/lượng.

Vàng thế giới gần như đi ngang trong tuần này. Sự giằng co của giá vàng xuất phát từ tâm lý trái chiều của nhà đầu tư.

Một mặt, họ lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – sau khi tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp vào tuần này – sẽ còn phải tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay. Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) được dự báo sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tuần tới. Ngân hàng Trung ương châu ÂU (ECB) đã tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm lên 3,5% vào hôm thứ Năm.

Mặt khác, nhà đầu tư cũng lạc quan rằng lạm phát ở Mỹ đang xuống thang và Fed dù sao cũng đang tiến tới gần kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.

Vào ngày thứ Sáu, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed đã tìm cách kiềm chế sự lạc quan của thị trường về vấn đề lãi suất. Thống đốc Fed Christopher Waller cảnh báo rằng “lạm phát lõi chưa giảm như kỳ vọng của tôi”. Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, ông Thomas Barkin, nói ông “thoải mái” với việc tiếp tục tăng lãi suất, xét tới việc lạm phát vẫn chưa trở lại mức 2% như mục tiêu mà Fed đề ra.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp tại OANDA, cho biết đây là thời điểm khá khó khăn đối với vàng khi chứng khoán đang tiếp tục tăng và nhà đầu tư bị sức ép trước những tuyên bố thể hiện quan điểm “diều hâu” của Fed.

“Dường như thị trường tin tưởng rằng Fed gần như đã hoàn thành việc thắt chặt chính sách tiền tệ, khi mọi người đang đổ xô vào chứng khoán và điều này đang làm giảm nhu cầu về tài sản trú ẩn an toàn như vàng”, ông Moya nhận định.

Theo công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch hiện dự đoán 74% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 7/2023, gây sức ép lên tài sản không sinh lời như vàng.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các nhà đầu tư nên tiếp tục coi vàng là một tài sản chiến lược quan trọng, ngay cả khi kim loại quý này sẽ phải đối mặt với những thách thức trong ngắn hạn khi Fed tạm dừng chính sách tiền tệ tích cực.

SJC gần như “bất động”

Vàng miếng SJC tại công ty CP SJC Sài Gòn chốt phiên cuối tuần (17/6) ở mốc 66,50 – 67,10 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), đi ngang cả hai chiều mua – bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần (12/6). Biên độ mua – bán giữ ở mức 600.000 đồng, tương đương với cuối tuần trước.

Tại BTMC, giá vàng có sự điều chỉnh sau một tuần biến động nhưng cũng không mấy đáng kể. Cụ thể, giá mua – bán của vàng miếng tại đơn vị này chốt phiên cuối tuần tại mốc 66,52 – 67,08 triệu đồng/lượng, mua vào đi ngang, bán ra tăng 50.000 đồng/lượng so với giá mở cửa đầu tuần 12/6.

Biến động giá vàng miếng trong tuần này

Xét trên toàn thị trường tuần này, giá vàng miếng SJC không có nhiều biến động. Nếu tính mức giá cao nhất trong tuần thì vàng miếng cũng chỉ đạt tới 67,2 triệu đồng/lượng trong phiên sáng hôm qua (16/6), nhưng mức giá này không duy trì được lâu và đã đảo chiều giảm ngay trong ngày. Nhìn chung giao dịch của vàng miếng vẫn chỉ biến động quanh vùng giá 67 triệu đồng/lượng.

Còn về chênh lệch với giá vàng thế giới, do giá vàng miếng giao dịch khá ổn định nên mức chênh giữa hai thị trường sẽ trồi sụt theo diễn biến tăng/giảm của giá vàng thế giới. Nghĩa là nếu giá vàng thế giới tăng thì chênh lệch giữa hai thị trường sẽ giảm và vàng thế giới giảm thì mức chênh sẽ tăng lên.

Chênh lệch hiện tại đang là 10,8 triệu đồng, giảm 600.000 đồng so với mức cao nhất trong tuần 11,4 triệu đồng tại phiên thứ Năm (15/6), nhưng chỉ giảm nhẹ 100.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước.

Vàng nhẫn đạt mức cao nhất hơn nửa tháng

Vàng nhẫn SJC 9999 chốt phiên cuối tuần tại mốc 55,60 – 56,55 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng cả hai chiều mua – bán so với mở cửa phiên đầu tuần (12/6). Chênh lệch mua – bán duy trì ngưỡng 950.000 đồng.

Có lực tăng mạnh nhất so với các thương hiệu khác, nhẫn tròn trơn Vàng Rồng Thăng Long của BTMC chốt phiên cuối tuần 17/6 tại 55,98 – 56,83 triệu đồng/lượng, tăng 450.000 đồng/lượng cả hai chiều mua – bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần. Biên độ mua – bán ở mức 850.000 đồng.

Vượt 56,8 triệu đồng, vàng nhẫn ghi nhận mức giá cao nhất kể từ đầu tháng tới nay. Vàng nhẫn hiện cao hơn vàng thế giới gần 600.000 đồng, tăng mạnh so với mức hơn 200.000 đồng cuối tuần trước.

Tăng mạnh tới gần nửa triệu đồng mỗi lượng nhưng với chênh lệch mua – bán trên 800.000 đồng, mua vàng nhẫn trong tuần này vẫn lỗ hơn 400.000 đồng mỗi lượng đối với nhẫn BTMC và 850.000 đồng/lượng đối với nhẫn 9999 của SJC, vì đơn vị này có biên độ tăng hẹp hơn và chênh lệch mua – bán lại cao hơn.

Thị trường vàng trong nước thời điểm giữa năm thường khá ảm đạm khi giao dịch mua – bán rơi vào cảnh “ế ẩm”. Khác với dịp đầu năm khi tâm điểm trên thị trường là ngày Vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng Âm lịch) và thời điểm cuối năm khi người dân có xu hướng mua vàng tích trữ như một thành quả sau một năm lao động vất vả.

Ghi nhận từ các đơn vị kinh doanh kim loại quý, các dòng sản phẩm từ vàng miếng, vàng nhẫn cho đến cả vàng trang sức đều vắng khách mua. Hiện mức chênh lệch mua – bán của vàng miếng khá thấp và ổn định, nhưng người dân vẫn không mặn mà mua vàng.

Giavang.net

Read Previous

VIP Tin 24/7: Dự báo tuần 19 – 23/6: Vàng sẽ xoay vần theo loạt phát biểu của quan chức Fed?

Read Next

VIP Chuyên sâu: Vàng đã sẵn sàng ”tạo sóng” sau một giai đoạn ”biển lặng”?

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Most Popular