VIP Tin 24/7: Tuần 17-22/4: Cả SJC và nhẫn 9999 đều tăng giá dù vàng thế giới trải qua một tuần giao dịch tồi tệ

Tóm tắt

  • Vàng thế giới giảm 1,2% – tuần giảm mạnh nhất trong 2 tháng qua.
  • Sau quy đổi, giá vàng thế giới lùi xa khỏi mốc 57 triệu đồng/lượng.
  • Tăng khiêm tốn, SJC vẫn đẩy chênh lệch giữa hai thị trường tăng vọt.
  • Dù chưa lấy lại được mốc 57 triệu đồng, vàng nhẫn vẫn giữ đà tăng tốt trong tuần này.
  • Neo gần mốc 57 triệu đồng, vàng nhẫn hiện có mức giá tương đương với vàng thế giới.
  • Chuyên gia vẫn rất lạc quan về triển vọng của thị trường vàng.

Nội dung

Giá vàng thế giới chốt phiên cuối tuần tại ngưỡng 1.976,3 USD/ounce, sau quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (23.530 VND/USD) giá vàng đứng tại 56,71 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), thấp hơn SJC 10,3 triệu đồng. Cuối tuần trước, vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại 57,37 triệu đồng/lượng (với tỷ giá USD giao dịch ở mức 23.460 VND/USD).

Cả tuần, giá vàng thế giới giảm 1,2% – ghi nhận tuần tồi tệ nhất trong 2 tháng qua, khi mối lo về chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đến từ những phát biểu cứng rắn của một số quan chức Fed trong tuần này. Họ đều có quan điểm cho rằng lạm phát ở Mỹ đều đang quá cao so với mục tiêu 2% mà Fed đề ra. Thống đốc Fed Michelle Bowman hôm thứ Năm nói Fed còn nhiều việc phải làm để kiểm soát lạm phát.

Thị trường hiện đặt cược khả năng 89% Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 2-3/5. Dù tin rằng sau đợt tăng này Fed sẽ tạm dừng việc nâng lãi suất, giới đầu tư đang giảm bớt kỳ vọng khả năng Fed chuyển sang cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Ngoài ra, đồng USD tăng giá cũng gây áp lực giảm lên vàng. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD chốt phiên cuối tuần ở mức 101,7%, tăng gần 0,2% trong tuần này.

Do vàng là kênh đầu tư không mang lãi suất và được định giá bằng USD, nên môi trường lãi suất cao và tỷ giá USD tăng thường là những yếu tố không có lợi cho giá vàng.

Ông Carsten Fritsch, chuyên gia phân tích Ngân hàng Commerzbank (Đức) cho biết, sang tuần Mỹ sẽ công bố một loạt chỉ số kinh tế như GDP quý I/2023, chỉ số chi tiêu tiêu dùng, là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của Fed.

Nhìn về dài hạn, Tập đoàn Ngân hàng Úc và New Zealand (ANZ) cho biết vị thế của vàng trên 2.000 USD/ounce có thể sẽ trở nên lâu dài hơn trong vòng 12 tháng tới và điều kiện tài chính xấu đi nào cũng có thể đẩy giá lên tới 2.100 USD/ounce.

Kim loại quý đang trong vị thế giằng co, khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trước tháng 7 sẽ ảnh hưởng đến đà tăng của vàng trong ngắn hạn. Trong khi đó, những rủi ro xung quanh việc thắt chặt các điều kiện tài chính và nhiều bất ổn ngân hàng hơn có thể đẩy giá lên mức cao kỷ lục mới.

ANZ cho rằng, vàng vẫn trong xu hướng tăng miễn là nó giữ được mức trên 1.900 USD/ounce. Các chiến lược gia hàng hóa của ANZ, Daniel Hynes và Soni Kumari, kỳ vọng giá sẽ tìm thấy hỗ trợ ngay lập tức quanh mức 1.950 USD/ounce và một khi mức hỗ trợ này bị phá vỡ, ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của đường xu hướng nằm ở mức 1.900 USD/ounce. Họ cho rằng, bất cứ dấu hiệu nào cho thấy tình trạng hỗn loạn tài chính xấu đi đều có thể đẩy giá lên trên mức cao gần đây lên tới 2.100 USD/ounce.

Biến động của giá vàng thế 00giới trong tuần này. Nguồn: Tradingview

Vàng trong nước đồng loạt tăng giá dù vàng thế giới giảm mạnh

Trong nước, vàng miếng SJC được công ty CP SJC Sài Gòn niêm yết giá mua – bán tại mốc 66,35 – 67,05 triệu đồng/lượng trong phiên cuối tuần 22/4, giá mua đi ngang trong khi giá bán tăng 100.000 đồng/lượng so với mở cửa phiên đầu tuần 17/4.

SJC tiếp tục có một tuần giao dịch ảm đạm với biên độ biến động không quá mạnh. Trong cả tuần, giá mua của SJC dao động trong khoảng 66,3-66,6 triệu đồng/lượng, giá bán cũng thiếu sôi động với mức giá dao động từ 66,9-67,2 triệu đồng/lượng. Biên độ mua – bán của SJC có sự biến động nhưng không quá mạnh – chỉ trồi sụt trong khoảng 600-700.000 đồng. Tại một số doanh nghiệp vàng khác như DOJI, BTMC, có mức chênh lệch mua – bán khá thấp – dưới 600.000 đồng.

Điểm đáng chú ý là chênh lệch với giá vàng thế giới có chiều hướng tăng mạnh. Mặc dù trong cả tuần mức chênh lệch giữa hai thị trường chỉ loanh quanh vùng 9,8 triệu đồng, nhưng đà giảm mạnh của giá vàng thế giới trong phiên cuối tuần đã đẩy mức chênh tăng vọt qua mốc 10 triệu đồng. So với mức 9,6 triệu đồng cuối tuần trước, chênh lệch giữa SJC và vàng thế giới cuối tuần này đã tăng thêm 700.000 đồng lên 10,3 triệu đồng.

Diễn biến của giá vàng SJC trong tuần này. Nguồn: Vip.giavang.net

Ngược chiều thế giới, giá vàng nhẫn tăng khá mạnh trong tuần này. Cụ thể, nhẫn SJC 9999 trong phiên cuối tuần đứng tại mốc 55,70 – 56,70 triệu đồng/lượng (MV – BR), tăng 250.000 đồng/lượng cả hai chiều mua – bán so với mở cửa phiên đầu tuần (17/4).

Nhiều nỗ lực nhưng vàng nhẫn vẫn chưa thể tái lập mốc 57 triệu đồng/lượng trong tuần này. Dù vậy, nếu so với SJC hay giá vàng thế giới thì vàng nhẫn vẫn có lực tăng tốt nhất.

Tương tự SJC, chênh lệch giữa vàng nhẫn và giá vàng thế giới cũng biến động mạnh. Các phiên giao dịch trong tuần, chênh lệch biến động trong khoảng 400-800.000 đồng, tuy nhiên, sang phiên cuối tuần vàng nhẫn chỉ suy yếu nhẹ khi vàng thế giới sụt giảm mạnh, tạo điều kiện cho hai kim loại quý này thu hẹp khoảng cách và hiện có mức giá xấp xỉ nhau. Cuối tuần trước, chênh lệch giữa hai thị trường neo trên 800.000 đồng.

Nhìn chung, nếu so sánh vàng nhẫn và SJC thì vàng nhẫn vẫn đang tạo được “sức hút” đối với nhà đầu tư khi luôn giữ khoảng cách rất thấp với giá vàng thế giới. Việc vàng miếng SJC vẫn giữ mức chênh khá lớn với thị trường thế giới khiến nhà đầu tư lo ngại rủi ro điều chỉnh bất ngờ của kim loại quý này.

Giavang.net

Read Previous

VIP Tin 24/7: Vàng Nhẫn 9999: Biến động nhẹ, vàng nhẫn và vàng thế giới về chung mức giá

Read Next

VIP Tin 24/7: Dự báo giá vàng tuần 24 – 28/4: Liệu có dễ dàng lấy lại mốc $2000

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Most Popular