VIP Tin 24/7: Tuần 19-24/6: Vàng Nhẫn mất hết thành quả của tuần trước, SJC tăng thêm 1 triệu đồng mức chênh với vàng thế giới

Tóm tắt

  • Giá vàng thế giới giảm mạnh trước áp lực tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương.
  • Sau quy đổi lùi về 55,29 triệu đồng/lượng, giảm 1 triệu đồng so với cuối tuần trước.
  • Vàng nhẫn cũng giảm mạnh, mua từ đầu tuần tới cuối tuần lỗ gần 1,3 triệu đồng.
  • SJC trụ tại mốc 67 triệu đồng, bỏ xa vàng thế giới gần 12 triệu đồng.

Nội dung

Giá vàng thế giới chốt phiên cuối tuần tại ngưỡng 1.919 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (23.625 VND/USD) vàng thế giới đứng tại 55,29 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí). Cuối tuần trước, giá vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại 56,28 triệu đồng/lượng. Như vậy, sau một tuần biến động, vàng thế giới tính theo giá quy đổi đã mất xấp xỉ 1 triệu đồng/lượng.

Biến động giá vàng thế giới trong tuần này

Giá vàng thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu cuối tuần, nhưng cả tuần vẫn giảm mạnh – ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong vòng hơn 4 tháng trở lại đây.

Gây áp lực giảm giá lên giá vàng trong tuần này là quan điểm cứng rắn của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đặc biệt là những phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ. Ông Powell khẳng định lập trường mà Fed đã đưa ra trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào tuần trước là lãi suất có thể cần phải tăng thêm 2 lần nữa trong năm nay để chống lạm phát.

Hôm thứ Sáu trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, bà Mary Daly, nói rằng hai lần tăng lãi suất nữa trong năm nay là một dự báo “rất hợp lý”, đồng thời lặp lại lời kêu gọi của ông Powell về việc thận trọng hơn trong các quyết định chính sách.

Chủ tịch Fed Atlanta, ông Tom Barkin, hôm thứ Năm nói rằng ông không tin rằng lạm phát đang trên đà giảm xuống mục tiêu 2%, nhưng từ chối dự đoán kết quả của cuộc họp chính sách tháng 7 của Fed.

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương như, ngân hàng Anh gây bất ngờ khi tăng lãi suất chính lên 5% từ 4,5% hôm thứ Năm; ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã tăng lãi suất lên 1,75% từ 1,5% và ngân hàng trung ương của Na Uy tăng 0,5 điểm phần trăm.

Môi trường lãi suất tăng gây áp lực giảm giá lên vàng – một tài sản không mang lãi suất.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của Oanda cảnh báo, việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất nhiều hơn đang đè nặng lên triển vọng tăng trưởng toàn cầu, điều này có thể khiến đồng đô la Mỹ trở thành nơi trú ẩn an toàn hấp dẫn hơn so với vàng.

Đồng USD tăng giá mạnh trong phiên ngày thứ Sáu, với chỉ số Dollar Index chốt ở mức gần 102,9 điểm, tăng 0,5% so với phiên trước. Cả tuần, chỉ số tăng hơn 0,6%.

Thị trường đang đặt cược khả năng 74,4% Fed nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7 – theo công cụ FedWatch của sàn giao dịch CME.

SJC trụ vững trên mốc 67 triệu đồng

Vàng miếng SJC tại công ty CP SJC Sài Gòn chốt phiên cuối tuần (24/6) ở mốc 66,50 – 67,10 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), đi ngang cả hai chiều mua – bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần (19/6). Biên độ mua – bán giữ ở mức 600.000 đồng, tương đương với cuối tuần trước.

Biến động giá vàng miếng trong tuần này

Khác với xu hướng đầy tiêu cực của vàng thế giới, SJC tiếp tục diễn biến giằng co nhẹ quanh mốc 67 triệu đồng/lượng trong tuần này.

SJC kết tuần đi ngang tại vùng giá 67,1 triệu đồng/lượng khi vàng thế giới giảm xấp xỉ 1 triệu đồng/lượng, dẫn tới chênh lệch giữa hai thị trường bật tăng mạnh 1 triệu đồng – từ mức 10,8 triệu đồng cuối tuần trước lên 11,8 triệu đồng/lượng cuối tuần này. 11,8 triệu đồng là mức chênh cao nhất giữa SJC và vàng thế giới trong hơn 3 tháng qua.

Cập nhật tại một số đơn vị khác, giá vàng miếng có sự điều chỉnh nhưng cũng không quá mạnh. Như tại BTMC, giá vàng giảm khoảng 80-120.000 đồng/lượng, giao dịch mua – bán chốt tuần tại mốc 66,47 – 66,98 triệu đồng/lượng. Còn tại DOJI Hà Nội, giao dịch cũng lùi khoảng 100.000 đồng/lượng trong tuần này, giá mua – bán dừng chân tại mốc 66,40 – 67,00 triệu đồng/lượng.

Vàng nhẫn “lao dốc” theo giá vàng thế giới

Vàng nhẫn SJC 9999 chốt phiên cuối tuần tại mốc 55,35 – 56,35 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 300.000 đồng/lượng giá mua và 250.000 đồng/lượng giá bán so với mở cửa phiên đầu tuần (19/6). Chênh lệch mua – bán ở mức 1 triệu đồng, tăng so với 950.000 đồng cuối tuần trước.

Nhẫn tròn trơn Vàng Rồng Thăng Long của BTMC chốt phiên cuối tuần 24/6 tại 55,57 – 56,42 triệu đồng/lượng, giảm 410.000 đồng/lượng cả hai chiều mua – bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần. Biên độ mua – bán duy trì mức 850.000 đồng.

Biến động giá vàng nhẫn trong tuần này

Giá vàng nhẫn trong tuần trước giao dịch “hứng phấn” với đà tăng lên tới gần nửa triệu đồng mỗi lượng và leo lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 6. Sang tuần này, trước diễn biến tiêu cực của thị trường thế giới, vàng nhẫn dù thoát đáy của tuần những vẫn đánh mất hết thành quả đạt được trong tuần trước.

Với chênh lệch mua – bán trên dưới 1 triệu đồng, mua vàng nhẫn trong tuần này nhà đầu tư sẽ phải chịu khoản lỗ gần 1,3 triệu đồng cho mỗi lượng vàng.

Đà giảm của vàng nhẫn chưa phản ảnh triệt để mức giảm của vàng thế giới, khiến mức chênh giữa hai mặt hàng này tăng mạnh từ mức 550.000 đồng cuối tuần trước lên 1,2 triệu đồng cuối tuần này. Chênh lệch giữa vàng nhẫn và SJC cũng tăng 200.000 đồng so với cuối tuần trước, lên 10,8 triệu đồng.

Giavang.net

Read Previous

VIP Chuyên sâu: Brent Johnson với Lý thuyết Sữa lắc USD: Vàng sẽ lên 5000 thậm chí 8000 USD khi…

Read Next

Bảng giá vàng sáng 26/6: Đầu tuần chưa có ‘sóng’, SJC vững vàng trên mốc 67 triệu đồng với nhịp tăng nhẹ

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Most Popular