VIP Tin 24/7: Tuần 20-25/3: Chỉ vàng nhẫn tăng giá trong tuần này

Tóm tắt

  • Giá vàng thế giới trồi sụt quanh ngưỡng 2.000 USD.
  • Áp lực chốt lời khiến vàng thế giới chốt tuần với xu hướng giảm và lùi khỏi mốc chủ chốt.
  • Cả tuần lình xình trên 67 triệu đồng, SJC chốt tuần giảm nhẹ và vẫn giữ trên mốc này.
  • Diễn biến ảm đạm, SJC kích cầu bằng cách thu hẹp chênh lệch mua – bán.
  • Dù phiên cuối tuần suy yếu nhưng vàng nhẫn vẫn giữ được đà tăng trong tuần này.

Nội dung

Giảm 0,8%, giá vàng thế giới chốt phiên cuối tuần (24/3) ở ngưỡng 1977,01 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do (23.530 VND/USD) vàng thế giới giao dịch tại mốc 56,73 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), thấp hơn SJC 10,6 triệu đồng và cao hơn vàng nhẫn 880.000 đồng. Cuối tuần trước, giá vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại 56,97 triệu đồng/lượng (với tỷ giá USD giao dịch ở mức 23.620 VND/USD).

Cả tuần, vàng thế giới giảm khoảng 0,5% – đánh dấu tuần giảm đầu tiên sau 3 tuần tăng liên tiếp. Sự xuất hiện của mức giá 2.000 USD/ounce trong tuần này là lần đầu tiên kể từ tháng 3 năm ngoái – thời điểm giá vàng tăng bùng nổ sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ.

Trong tuần này, giá vàng thế giới đã 2 lần vuợt mốc 2.000 USD/ounce do mối lo cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể lan rộng thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến với những tài sản an toàn. Ngoài ra, đặt cược của giới đầu tư rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sắp dừng tăng lãi suất, thậm chí chuyển sang cắt giảm lãi suất trong năm nay, cũng có lợi cho giá vàng – một tài sản không mang lãi suất.

Tuy nhiên, ở mức 2.000 USD/ounce, hoạt động chốt lời đã diễn ra, khiến giá vàng không duy trì được mốc chủ chốt.

Với thị trường trong nước, vàng miếng SJC tại công ty CP SJC Sài Gòn chốt phiên cuối tuần (25/3) ở mức 66,60 – 67,30 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra, giảm 50.000 đồng/lượng cả hai chiều mua – bán so với mở cửa phiên đầu tuần (20/3).

Tương tự, giá vàng miếng tại Bảo Tín Minh Châu cũng có xu hướng giảm trong tuần này. Cụ thể, giao dịch mua – bán tại đơn vị này chốt phiên cuối tuần ở mức 66,65 – 67,29 triệu đồng/lượng, giảm 20.000 đồng/lượng chiều mua và 50.000 đồng/lượng chiều bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần.

Diễn biến của giá vàng thế giới trong tuần này phần nào động tới SJC nhưng mức độ ảnh hưởng không quá lớn. Dù vàng thế giới có lúc lên 2.000 USD/ounce nhưng giá vàng SJC cả tuần chỉ lình xình trong khoảng 66,4-66,9 triệu đồng/lượng giá mua và 67,1-67,6 triệu đồng/lượng giá bán. Chênh lệch giữa SJC và vàng thế giới tăng nhẹ, từ 10,5 triệu đồng cuối tuần trước lên 10,6 triệu đồng ở thời điểm hiện tại.

Diễn biến của giá vàng SJC – biểu đồ 1 tuần. Nguồn: Vip.giavang.net

Giao dịch thiếu sôi động, doanh nghiệp vàng kích cầu bằng cách giảm biên độ mua – bán của SJC từ mức 900.000 đồng cuối tuần trước xuống 700.000 đồng cuối tuần này. Chênh lệch mua – bán càng thấp thì mức độ rủi ro của nhà đầu tư càng được hạn chế.

Trong khi SJC và vàng thế giới suy yếu thì riêng vàng nhẫn lại ngược chiều tăng giá. Với mức tăng nhẹ 50.000 đồng/lượng cả hai chiều mua – bán so với mở cửa phiên đầu tuần, nhẫn SJC 9999 chốt phiên cuối tuần ở mức 54,80 – 55,85 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra.

Nhờ tác động tích cực từ thị trường thế giới, vàng nhẫn trong tuần này đã thành công lấy lại mốc 56 triệu đồng/lượng, nhưng cũng do diễn biến giảm của vàng thế giới trong phiên cuối tuần đã kéo vàng nhẫn lùi khỏi mốc này. Tuy nhiên vẫn có một số thương hiệu giữ được mốc 56 triệu đồng như nhẫn tròn trơn Vàng Rồng Tăng Long của BTMC chốt phiên cuối tuần (25/3) ở mức 55,09 – 56,09 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra. Nhẫn Hưng Thịnh Vượng của DOJI cũng đang giữ giá bán chốt phiên cuối tuần ở mốc 56 triệu đồng/lượng.

Đáng chú ý, giá vàng nhẫn hiện vẫn có mức giao dịch thấp hơn giá vàng thế giới tới gần 1 triệu đồng. Nhiều phiên trong tuần, vàng nhẫn xuống thấp hơn giá vàng thế giới tới hơn 1 triệu đồng/lượng, nhưng diễn biến giảm ít hơn của giá vàng nhẫn trong phiên cuối tuần đã kéo mức chênh về dưới 1 triệu đồng. So với cuối tuần trước, chênh lệch giữa hai mặt hàng này tăng nhẹ dưới 100.000 đồng.

Biên độ mua – bán của vàng nhẫn hiện ở mức 1,05 triệu đồng, không thay đổi so với cuối tuần trước. Chênh lệch giữa SJC và vàng nhẫn tăng nhẹ từ 11,4 triệu đồng cuối tuần trước lên 11,5 triệu đồng cuối tuần này.

Vàng được dự báo có khả năng tăng lên mức cao nhất mọi thời đại trong bối cảnh tài chính nhiều rủi ro như hiện nay

Trả lời Hãng tin CNBC, bà Tina Teng, chuyên gia phân tích Tập đoàn tài chính CMC Markets (Anh) cho biết: “Việc Fed sớm xoay trục tăng lãi suất có thể sẽ khiến giá vàng tăng vọt do tiềm năng đồng USD và lợi suất trái phiếu giảm. Do đó, giá vàng được dự báo lên đến 2.600 USD/ounce”.

Bà Nicky Shiels, Giám đốc chiến lược kinh doanh vàng Tập đoàn tài chính MKS Pamp (Úc), cho biết: “Nhìn chung, Fed sẽ phải lựa chọn chính sách tiền tệ hoặc để lạm phát cao hoặc suy thoái kinh tế, mà cả hai kết quả này đều có lợi cho vàng. Vàng được dự báo sẽ tăng lên 2.200 USD/ounce”.

Ông Randy Smallwood, Giám đốc điều hành Công ty vàng Wheaton Precious Metals (Canada) đánh giá: “Các ngân hàng trung ương vẫn đang tiếp tục mua vàng là tín hiệu tốt cho giá cả trong dài hạn. Do đó, giá vàng sẽ đạt mức 2.500 USD/ounce”.

Tính đến tháng 3/2023, ngân hàng trung ương Nga nắm giữ 74,9 triệu ounce vàng, trị giá 135,6 tỷ USD. Con số này nhiều hơn một triệu ounce so với 73,9 triệu ounce được báo cáo vào tháng 2/2022. Trong cùng khoảng thời gian một năm, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã mua hơn 100 tấn vàng .

Theo Hội đồng Vàng Thế giới, mua vàng là một xu hướng đang diễn ra. Năm 2022, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới mua 1.136 tấn vàng – con số kỷ lục.

Giavang.net

Read Previous

VIP Tin 24/7: Dự báo tuần 27 – 31/03: Áp lực chốt lời tại vùng cản $2000 vẫn tiếp diễn?

Read Next

VIDEO 27/03/2023: Giá vàng có thêm các chỉ báo mới để theo dõi

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Most Popular