VIP Tin 24/7: Tuần 27/2-4/3: “Cái kết đẹp của vàng thế giới lan tỏa tới giá vàng nhẫn nhưng lại lướt qua SJC”

Tóm tắt

  • Tăng gần 2%, giá vàng thế giới ghi nhận tuần tăng đầu tiên sau 4 tuần giảm liên tiếp.
  • Vàng nhẫn phản ứng tích cực với nhịp tăng 350.000 đồng/lượng.
  • SJC “tăng cho có” với mức điều chỉnh không quá 100.000 đồng mỗi lượng.
  • Chênh lệch nội – ngoại giảm mạnh gần 1 triệu đồng.
  • Cần lưu ý điều gì khi đầu tư vàng, kể cả nhẫn 9999 và SJC?

Nội dung

Giá vàng miếng SJC

Chốt phiên cuối tuần (4/3), Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC niêm yết giá mua – bán của vàng miếng SJC ở mốc 66,20 – 66,90 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng giá mua và bán so với mở cửa phiên đầu tuần (27/2).

Dù nhiều lần nỗ lực vượt 66,9 triệu đồng nhưng SJC vẫn không thể chạm được tới mốc 67 triệu đồng. Cả tuần, giá bán của SJC chỉ lình xình trong khoảng 66,7-66,95 triệu đồng/lượng và chốt tuần tại mốc 66,9 triệu đồng/lượng.

Diễn biến ảm đạm của SJC đã thúc đẩy doanh nghiệp vàng có động thái thu hẹp mức chênh giữa chiều mua và chiều bán để thu hút người mua. Cụ thể, chênh lệch mua – bán của SJC hiện ở mức 700.000 đồng, giảm 100.000 đồng so với cuối tuần trước. Nếu chênh lệch mua – bán càng thấp thì mức độ rủi ro của nhà đầu tư càng được hạn chế.

Cả tuần, SJC chỉ tăng 100.000 đồng/lượng trong khi giá vàng thế giới đã có một “cái kết” khá ổn với mức tăng khoảng 2%. Chênh lệch giữa hai thị trường theo đó cũng giảm mạnh gần 1 triệu đồng – từ mức 14,1 triệu đồng cuối tuần trước xuống còn 13,3 triệu đồng cuối tuần này.

Diễn biến của giá vàng SJC – biểu đồ 1 tuần. Nguồn: Vip.giavang.net

Giá vàng nhẫn 9999

Vàng nhẫn SJC 9999 chốt phiên cuối tuần ở mức 53,45 – 54,35 triệu đồng/lượng, tăng 350.000 đồng/lượng cả hai chiều mua – bán so với mở cửa phiên đầu tuần (27/2).

Trong khi SJC chỉ tăng với mức điều chỉnh khiêm tốn thì vàng nhẫn đã phản ứng tốt hơn với nhịp tăng của giá vàng thế giới. Tuy nhiên biên độ tăng của vàng nhẫn vẫn chưa phản ánh toàn bộ đà tăng của vàng thế giới, nên chênh lệch giữa vàng nhẫn và giá vàng thế giới cũng được thu hẹp đáng kể, từ mức 1,2 triệu đồng cuối tuần trước xuống 770.000 đồng cuối tuần này – mức giảm là hơn 400.000 đồng.

Do tăng mạnh hơn SJC nên vàng nhẫn cũng thu hẹp chênh lệch giữa hai mặt hàng kim loại quý, từ mức 13 triệu đồng cuối tuần trước xuống còn 12,6 triệu đồng ở thời điểm hiện tại – mức giảm là 400.000 đồng. Chênh lệch giữa hai chiều mua – bán của vàng nhẫn so với tuần trước không thay đổi – duy trì ở mức 900.000 đồng.

Trong cả tuần này vàng nhẫn gần như giữ chênh lệch ở mức dưới 1 triệu đồng với giá vàng thế giới. Đây là một khoảng cách hợp lý, hay có thể nói là lý tưởng để nhà đầu tư có thể đầu tư vàng mặt hàng vàng nhẫn. Nhưng cần lưu ý, nếu quyết định “đặt niềm tin” vào vàng, kể cả nhẫn 9999 hay vàng miếng SJC thì nhà đầu tư nên xác định đây là một khoản đầu tư dài hạn, vì giữa giá mua vào và giá bán ra luôn có một khoảng cách chênh lệch nhất định tùy từng thời điểm và từng doanh nghiệp, nên nhà đầu tư khó thu được lợi nhuận nếu có ý định “lướt sóng”.

Giá vàng thế giới

Chốt phiên thứ Sáu (3/3) giá vàng thế giới đứng ở ngưỡng 1.847,3 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do (23.780 VND/USD) vàng thế giới giao dịch tại mốc 53,58 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí). Cuối tuần trước, giá vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại 52,77 triệu đồng/lượng (với tỷ giá USD giao dịch ở mức 23.885 VND/USD).

Nhờ cú hích trong phiên cuối tuần, giá vàng thế giới kết tuần với mức tăng khoảng 2% – đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 1, đồng thời chấm dứt chuỗi 4 tuần giảm liên tiếp trước đó của giá kim loại quý này.

Theo dữ liệu từ trang MarketWatch, Dollar Index đã giảm 0,65% trong tuần này, giúp giá vàng duy trì được ngưỡng chủ chốt 1.800 USD/ounce, và sau đó bứt phá.

Ông Ole Hansen, Giám đốc bộ phận kinh doanh vàng Ngân hàng Saxo Bank cho biết, đồng USD yếu đang giúp giá vàng tăng mạnh trở lại. Sang tuần, nếu các công bố dữ liệu kinh tế Mỹ yếu đi, dẫn đến kỳ vọng lãi suất tăng thấp sẽ giúp giá vàng củng cố mức tăng.

Còn theo ông Frank Cholly, chuyên gia phân tích Quỹ RJO Futures, vàng có thể được đẩy lên mức 1.900 USD/ounce. Điều này sẽ thành hiện thực nếu kinh tế Mỹ có dấu hiệu suy thoái.

Tuy nhiên, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tích cực tăng lãi suất, giá vàng sẽ lại quay về mức thấp. Nhìn chung, giá vàng còn biến động đáng kể trong dài hạn.

Về dài hạn, vàng được giới chuyên gia dự báo sẽ tăng trong xu hướng giảm giá của đồng USD sau khi Fed kết thúc chu kỳ nâng lãi suất kéo dài.

Bà Nicky Shiels, Trưởng bộ phận chiến lược kim loại tại MKS PAMP – công ty chuyên cung cấp dịch vụ tài chính – cho rằng, các nhà đầu tư cần nhớ rằng chính sách tiền tệ luôn hoạt động có độ trễ. Nhu cầu đầu tư sẽ là chất xúc tác hỗ trợ vàng.

Vị chuyên gia này nhất mạnh: “Các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) ồ ạt rút ròng đã góp phần tạo ra những cơn gió ngược với vàng vào năm ngoái. Năm nay, chúng ta sẽ thấy nhu cầu đầu tư tái xuất hiện với thực tế rằng đồng USD đã đạt đỉnh. Tôi dự đoán, kim loại quý sẽ duy trì mức giá trung bình là 1.880 USD/ounce”.

Giavang.net

Read Previous

VIP Chuyên sâu: Tuần tới: Vàng điên đầu ‘xoay vần’ theo lời ông Powell và báo cáo NFP tháng 2

Read Next

Bảng giá vàng sáng 6/3: Biến động nhẹ theo hướng tiêu cực, SJC vẫn khó khăn trong việc lấy lại mốc 67 triệu đồng

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Most Popular