VIP Tin 24/7: Tuần 6-11/2/2023: Vàng ‘lặng sóng’ – giao dịch kém hấp dẫn, doanh nghiệp kích cầu bằng cách hạ biên độ mua – bán

Tóm tắt

  • Vàng thế giới chững lại chờ báo cáo lạm phát tháng 1 của Mỹ.
  • SJC ảm đạm với mức điều chỉnh không quá 100.000 đồng.
  • Vàng nhẫn cũng thiếu sôi động với nhịp tăng khiêm tốn.
  • Biên độ mua – bán được thu hẹp ở cả SJC và nhẫn 9999.

Nội dung

Giá vàng miếng SJC

Chốt phiên cuối tuần (11/2), Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC niêm yết giá mua – bán của vàng miếng SJC ở mốc 66,60 – 67,40 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng mua vào và bán ra so với mở cửa phiên đầu tuần (6/2).

SJC tăng khiêm tốn 100.000 đông/lượng sau một tuần không quá nhiều biến động. Cả tuần, giá vàng chỉ dao động trong biên độ hẹp với mức giao dịch thấp nhất ở ngưỡng 67,2 triệu đồng/lượng và cao nhất ở mức 67,5 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng lặng sóng, giao dịch kém hấp dẫn, nhà đầu tư không mặn mà – sức mua yếu, nên doanh nghiệp vàng đã giảm biên độ mua – bán nhằm kích cầu trở lại. Cụ thể, chênh lệch mua – bán của SJC hiện ở mức 800.000 đồng/lượng, giảm 200.000 đồng so với mức 1 triệu đồng cuối tuần trước.

Chênh lệch giữa SJC và vàng thế giới cũng có chiều hướng giảm. Hiện tại mức chênh giữa hai thị trường đứng tại 13,6 triệu đồng, giảm 200.000 đồng so với 13,8 triệu đồng cuối tuần trước.

Diễn biến của giá vàng SJC – biểu đồ 1 tuần. Nguồn: Vip.giavang.net

Giá vàng nhẫn 9999

Vàng nhẫn SJC 9999 chốt phiên cuối tuần ở mức 53,90 – 54,80 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng chiều mua, tăng 100.000 đồng/lượng chiều bán so với mở cửa phiên đầu tuần (6/2).

Tương tự SJC, vàng nhẫn cũng điều chỉnh với mức tăng khá khiêm tốn. Cả tuần, giao dịch chỉ lình xình dưới mốc 55 triệu đồng/lượng.

Điểm tích cực là chênh lệch mua – bán của vàng nhẫn cũng được thu hẹp từ mức 1 triệu đồng cuối tuần trước, hiện xuống còn 900.000 đồng. Chênh lệch giữa vàng nhẫn và SJC cũng có chiều hướng giảm, từ 12,9 triệu đồng cuối tuần trước, xuống 12,6 triệu đồng cuối tuần này.

Biên độ chênh lệch giữa vàng nhẫn và vàng thế giới so với tuần trước không quá nhiều biến động. Cụ thể, mức chênh hiện đang là 960.000 đồng, tăng nhẹ 60.000 đồng so với cuối tuần trước. Cả tuần, chênh lệch gần như chỉ biến động quanh mốc 1 triệu đồng. Đây là mức chênh hợp lý để nhà đầu tư có thể “đặt niềm tin” vào mặt hàng kim loại quý này.

Giá vàng thế giới

Chốt phiên thứ Sáu (10/2) giá vàng thế giới đứng ở ngưỡng 1.864,1 USD/ounce, gần như đi ngang so với giá chốt cuối tuần trước. Quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do (23.680 VND/USD) vàng thế giới giao dịch tại mốc 53,84 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí). Cuối tuần trước, giá vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại 53,65 triệu đồng/lượng (với tỷ giá USD giao dịch ở mức 23.590 VND/USD).

Tuần này, giá vàng chịu áp lực từ sự tăng giá của đồng USD và xu thế tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Tỷ giá đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng 0,7% trong tuần, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lên cao nhất hơn 1 tháng. Tính cả tuần, giá vàng tăng không đáng kể.

Tâm lý lạc quan về vàng bắt đầu thay đổi sau khi báo cáo việc làm khả quan của Mỹ vào tuần trước cho thấy số việc làm tăng thêm là 517.000 trong tháng 1, vượt xa dự báo của giới phân tích. Tiếp đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell xác nhận những lo ngại của thị trường rằng nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng bất ngờ, ngân hàng trung ương này sẽ buộc phải tăng lãi suất cao hơn dự đoán.

Phát biểu tại một sự kiện ở Washington DC vào hôm thứ Ba tuần này, ông Powell nói rằng “quá trình giảm lạm phát” đã bắt đầu – một đánh giá khiến thị trường lạc quan rằng Fed sắp đến lúc dừng chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ. Nhưng mặt khác, ông Powell cũng cảnh báo rằng nếu dữ liệu tiếp tục mạnh hơn, Fed sẽ buộc phải tăng lãi suất cao hơn.

Chuyên gia kim loại quý Everett Millman của Gainesville Coins nhận định: “Chiến lược phát tín hiệu của Chủ tịch Fed là nói theo cả hai hướng… Khả năng cao là Fed tiếp tục lộ trình tăng lãi suất cho đến khi nền kinh tế sụt tốc”.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế vẫn còn và có khả năng hỗ trợ nhu cầu vàng trong năm nay.

Người đứng đầu Bộ phận Chiến lược thị trường hàng hóa Bart Melek tại TD Securities cho biết: “Chúng ta sẽ phải chứng kiến sự tiến bộ đáng kể và bền vững trên mặt trận lạm phát trước khi các nhà chức trách cảm thấy thoải mái khi cho phép hạ lãi suất”.

Tuần tới, tâm điểm của thị trường là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của Mỹ, dự kiến công bố vào ngày thứ Ba – dữ liệu được cho là sẽ ảnh hưởng nhiều đến đường đi lãi suất của Fed. Nếu lạm phát thấp hơn dự báo, nhà đầu tư sẽ hy vọng nhiều hơn về việc Fed sắp dừng chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ.

Thị trường đang dự báo bình quân CPI của Mỹ tăng 6,2% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm trước, từ mức tăng 6,5% của tháng 12.

“Chúng tôi cho rằng mức lạm phát có thể sẽ thấp hơn nhiều so với dự báo. Như thế, áp lực mất giá đối với các hàng hoá cơ bản như vàng sẽ dịu đi, vì Fed sẽ có cơ sở để giảm bớt sự cứng rắn”, một báo cáo của Capital Economics nhận định.

Giavang.net

Read Previous

VIP Chuyên sâu: Cẩn trọng lạm phát Mỹ – Chất xúc tác chính quyết định hướng đi của vàng tuần sau

Read Next

VIP Chiến lược: Chỉ có thể đánh biên hẹp khi vàng còn bám sát mốc $1860. Tin CPI là tiêu điểm

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Most Popular